Inflowing’ – show thời trang 5 tỷ đồng của Cường Đàm

Show “Inflowing” của Cường Đàm được đầu tư về thiết kế, ánh sáng, âm thanh, với kinh phí 5 tỷ đồng.

100 khách mời tới không gian nghệ thuật ở tầng hầm của một tòa nhà Hà Nội vào tối 13/6 để thưởng thức show thời trang cá nhân đầu tiên của Cường Đàm. Show không yêu cầu dresscode nhưng đa phần khách mời ăn vận hợp xu hướng.

Người mẫu trình diễn đầm cut-out, đội mũ đĩa bay phủ sơn mài, lấy cảm hứng từ nón quai thao. Ảnh: CDam

Cường Đàm mất 20 tháng để lên ý tưởng và hoàn thiện show diễn. Anh dành thời gian nghiên cứu, phác thảo, thử nghiệm chất liệu và dựng phom dáng. Vải hầu hết được nhập khẩu từ nước ngoài để đảm bảo dựng phom chuẩn xác, đem tới sự dễ chịu, thoải mái cho người mặc. Phần lớn kinh phí show được chi cho chất liệu đắt đỏ của bộ sưu tập, cộng dàn dựng sân khấu với hệ thống đèn chiếu sáng, nhạc sĩ biểu diễn trực tiếp, chi phí đi lại, ăn ở của khách mời từ Sài Gòn, phần triển lãm sắp đặt các sáng tạo nghệ thuật…

Video Player is loading.Pause

Current Time 0:25

/

Duration 1:02

Loaded: 0%

Progress: 0%UnmuteFullscreen

Show thời trang “Inflowing” của Cường Đàm. Video: Ý Ly

Inflowing mang âm hưởng truyền thống kết hợp chất futuristic (vị lai), cho thấy tầm nhìn của nhà thiết kế trên con đường chinh phục làng mốt.

19h40, khi giọng hát của nghệ sĩ đương đại Ngô Hồng Quang vang lên, màn hình lớn trên sân khấu chiếu hình ảnh một phi thuyền hình hạt thóc đáp xuống Trái đất. Cánh cửa hé mở, người mẫu đầu tiên bước ra trong bộ váy trắng xẻ vai, đội chiếc mũ đĩa bay lấy cảm hứng từ nón quai thao, sải bước dứt khoát trên nền nhạc điện tử do nghệ sĩ Thành Chu chơi trực tiếp. Ánh sáng và các nốt nhạc được chơi ngẫu hứng, bắt theo bước chân của người mẫu.

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang biểu diễn với nhạc cụ dân tộc ở chính giữa đường băng. Ảnh: CDam
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang biểu diễn với nhạc cụ dân tộc ở giữa đường băng. Ảnh: CDam

Chủ đề show thời trang mang ý nghĩa hướng vào giá trị nguyên bản, cốt lõi, để từ đó phát triển thành thứ mới mẻ. Trên hành trình này, nhà thiết kế đi tìm điểm giao thoa của những giá trị đối lập trên một vòng tròn: quá khứ – tương lai, trắng – đen, Đông – Tây, ngày – đêm, âm – dương. Chi tiết vòng tròn trở đi trở lại xuyên suốt 39 mẫu thiết kế. Chúng xuất hiện trên gấu váy, hông, eo hay vai, kết hợp những đường cắt mang hình dáng uốn lượn của biểu tượng âm – dương được tính toán kỹ lưỡng, tạo ra những khoảng kín, hở chừng mực trên cơ thể. Trong khi đó, tính đối lập thể hiện trong cách sử dụng cặp màu tương phản như hồng với xanh, trắng và đen, trong cách khai thác chất liệu thô cứng đi cùng mềm mại của da, organza, vải dệt kim, spandex, tơ tằm…

Cách dựng phom và kỹ thuật xử lý đường cắt là điểm nhấn của bộ sưu tập. Vốn là sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội, Cường Đàm đưa nhiều yếu tố của kiến trúc vào trang phục, kết hợp cut-out – xu hướng hot nhất thế giới hiện nay, tạo nên những chiếc đầm phi cấu trúc, bất đối xứng, phi giới tính. Anh lồng ghép hình ảnh hạt thóc – biểu tượng của show, tượng trưng cho giá trị nguyên bản trong văn hóa Việt – trên miếng ốp ngực hay ví cầm tay.

Chắt lọc những chi tiết của áo tứ thân, áo giao lĩnh, nhà thiết kế tạo nên đầm xẻ vai táo bạo dài tới cánh tay, váy lụa xẻ lườn hai bên hông, đầm xếp ly bất đối xứng, đầm lưới tết thủ công, váy liền quần hai trong một. Blazer mang cầu vai độn, giúp người mặc toát lên vẻ quyền lực. Đầm cắt xẻ tô điểm cho vòng một bằng hai miếng ốp hình hạt gạo. Tất cả tạo nên một màn trình diễn của thời trang ứng dụng pha nghệ thuật, hội tụ những kiểu mốt được sàn diễn thế giới ưa chuộng.

Bản sắc Việt còn thể hiện rõ rệt ở nghệ thuật vẽ sơn mài được khai thác trên những phụ kiện cách điệu từ áo yếm, nón quai thao, miếng ốp ngực. Ngoài clutch hình hạt gạo, show đem tới mẫu túi xách mô phỏng chiếc áo dài gấp gọn, với quai cầm hình cổ áo.

Hình ảnh hạt thóc, áo yếm và vòng tròn là những điểm nhấn quan trọng trên các thiết kế. Ảnh: CDam
Hình ảnh hạt thóc, áo yếm và vòng tròn là những điểm nhấn quan trọng trên các thiết kế. Ảnh: CDam

Không first face hay vedette, chỉ tập trung vào váy áo, Inflowing dẫn dắt người xem chạm tới nhiều cung bậc cảm xúc: Từ tĩnh lặng trong chương đầu với năm thiết kế đen, trắng, đến dữ dội với bảng màu nổi bật, phong phú ở chương sau. Sân khấu hình vuông theo phong cách tối giản, nổi bật chính giữa là những trang phác thảo của Cường Đàm và nghệ sĩ Ngô Hồng Quang bên cây đàn bầu. Sự sắp đặt thể hiện rõ mong muốn của nhà thiết kế: Những giá trị truyền thống luôn được đặt ở trọng tâm.

Ngoài show diễn, trong dự án nghệ thuật lần này, Cường Đàm tổ chức triển lãm từ ngày 13 đến 18/6, trưng bày các thiết kế đặc trưng của anh cùng quá trình nghiên cứu, tìm tòi, phát triển các ý tưởng tạo nên bộ sưu tập. Sau show, khán giả có thể nán lại ngắm nhìn mô hình phi thuyền hình hạt thóc ngoài đời thực, được trưng bày tại góc khán phòng.

Là một trong những khách mời, giám đốc sáng tạo Hà Đỗ nói: “Cường Đàm là một nhà thiết kế có tầm nhìn, mọi ý tưởng của show diễn đều được thể hiện nhất quán từ thiết kế đến cách tổ chức”. Nhà thiết kế Phan Đăng Hoàng dành lời khen đồng nghiệp: “Màn trình diễn cho thấy Cường Đàm hoàn toàn có thể chinh phục thị trường quốc tế nếu giữ vững phong độ”. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nhiều thiết kế nặng tính nghệ thuật, hợp với sân khấu, khó ứng dụng đời thường. Cường Đàm giải thích: “Tôi chọn chinh phục những người khó tính đầu tiên rồi mới tới những người còn lại. Phải làm cái khó thì mới có thể nổi bật”.

Cường Đàm sinh năm 1990 ở Hà Nội, được biết tới với bộ sưu tập Warriors in Yoshiwara trong show Utopia – Không tưởng năm 2020. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến Trúc, anh theo đuổi niềm đam mê thời trang khi học tại Học viện Thiết kế và Thời trang London. Các thiết kế của Cường Đàm được nhiều người nổi tiếng yêu thích, gồm: Hồ Ngọc Hà, Đỗ Mỹ Linh, Khánh Vân, Lương Thùy Linh, Kim Duyên, Huyền My, Phương Nga, Ninh Dương Lan Ngọc, Kaity Nguyễn…