Ngoài tuổi, lối sống, bệnh lý như tiểu đường, tim mạch…, gene có ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ và khả năng mắc bệnh tăng lên nếu có tiền sử gia đình.
Theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, các thành viên trong gia đình có chung gene, hành vi, lối sống và môi trường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy cơ mắc bệnh. Di truyền có thể góp phần gây nên huyết áp cao, đột quỵ và các tình trạng liên quan khác. Một số rối loạn di truyền có thể gây ra đột quỵ bao gồm cả bệnh hồng cầu hình liềm.
Nguy cơ đột quỵ ở một số gia đình có thể cao hơn những gia đình khác và khả năng bị đột quỵ của một người có thể tăng lên hoặc giảm xuống tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và chủng tộc. Khả năng mắc bệnh cao hơn khi di truyền kết hợp với lối sống không lành mạnh, chẳng hạn như hút thuốc lá và dinh dưỡng kém.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Cambridge (Anh), Viện Karolinska ở Stockholm (Thụy Điển) và Trung tâm Đức về Bệnh thoái hóa thần kinh ở Bonn (Đức) tiến hành xem xét về đột quỵ ở hơn 306.470 người từ 40-73 tuổi trong 4 năm. Kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí BMJ năm 2018 cho thấy, nguy cơ đột quỵ cao hơn 66% ở những người có lối sống kém lành mạnh. Khả năng đột quỵ sẽ cao hơn 35% ở người có nguy cơ di truyền cao so với người có nguy cơ di truyền thấp, bất kể lối sống.
Trước đó, vào năm 2003, một nghiên cứu lớn tại Anh công bố trên tạp chí Stroke của Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho thấy, gene có ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ. Bệnh nhân đột quỵ trong nghiên cứu từ 65 tuổi trở xuống có cha mẹ hoặc anh chị em bị đột quỵ sớm hoặc đau tim tăng gấp 3 so với người không có các yếu tố này.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Boston vào năm 2016 phát hiện gene mới có tên FOXF2 làm tăng nguy cơ bị đột quỵ do bệnh lý mạch máu nhỏ trong não. Các gene cũng có liên quan đến đột quỵ như NINJ2, WNK1 theo thông tin của Trung tâm Khoa học Y tế tại Đại học Texas. Gene WNK1 có ảnh hưởng đến việc kiểm soát huyết áp, còn gene NINJ2 liên quan đến phục hồi các tổn thương não.
Bác sĩ Hà Thị Mỹ Hạnh tư vấn di truyền và dinh dưỡng tại Genetica cho biết, có rất nhiều nghiên cứu cho thấy, gene làm tăng nguy cơ đột quỵ ở nhiều gia đình. Khi bạn có người thân cận bậc một như cha, mẹ, anh chị, em ruột bị đột quỵ dưới 65 tuổi thì thuộc nhóm đối tượng nguy cơ. Bạn nên lưu thay đổi các yếu tố nguy cơ để phòng tránh đột quỵ.
80% đột quỵ có thể ngăn ngừa
Tuổi càng cao, nguy cơ bị đột quỵ càng cao. Nguy cơ bị đột quỵ tăng gấp đôi sau mỗi 10 năm sau 55 tuổi theo CDC Mỹ. Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) liệt kê tiền sử gia đình là một yếu tố nguy cơ đột quỵ quan trọng không thể sửa đổi, cùng với tuổi cao, giới tính nam và tiền sử đau tim hoặc đột quỵ trước đó. Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi bao gồm béo phì, lười vận động, uống quá nhiều rượu, lạm dụng thuốc và sử dụng thuốc lá.
Theo (CDC) Mỹ, khoảng 80% trường hợp đột quỵ có thể phòng ngừa. Dưới đây là một số cách giúp phòng ngừa đột quỵ từ sớm.
Lối sống lành mạnh: không uống rượu bia, tránh hút thuốc lá và các chất kích thích, hạn chế thức khuya, giảm căng thẳng… sẽ làm giảm nguy cơ đột quỵ. Mỗi ngày nam giới không nên uống quá hai ly rượu và phụ nữ là một ly. Thời gian đi ngủ tốt khoảng 20h và 7-8 giờ mỗi đêm. Khi bận rộn, căng thẳng vì công việc, bạn nên tìm các biện pháp để giải tỏa áp lực.
Ăn uống đủ chất, cân bằng: theo Viện dinh dưỡng quốc gia, mọi người nên ăn cân đối 4 yếu tố gồm cân đối giữ 3 chất sinh năng lượng là chất bột đường, chất béo, chất đạm; cân đối về lipid (chất béo) giữa lipid động vật và lipid thực vật, cân đối về protein giữa đạm động vật và đạm thực vật, cân đối về vitamin và khoáng chất. Để đạt được sự cân đối giữa 3 nhóm chất sinh năng lượng thì lượng chất đạm (protein) phải đạt từ 13-20%; chất béo (lipid) từ 20-25% và tinh bột (carbohydrate) từ 55-65% trong bữa ăn hằng ngày.
Bữa ăn cũng có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm gồm nhóm lương thực (gạo, bột, mì), sữa và các chế phẩm từ sữa, nhóm dầu ăn và mỡ các loại, nhóm rau củ quả… Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol có liên quan đến đột quỵ và các bệnh liên quan, cần hạn chế.
Tập thể dục thường xuyên: khoảng 30 phút mỗi ngày và duy trì đều đặn 5 lần mỗi tuần đem đến nhiều lợi ích với sức khỏe. Siêng năng vận động có thể phòng tránh béo phì, huyết áp cao, cholesterol cao và bệnh tiểu đường – những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Uống thuốc đều đặn: bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường… cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ. Người mắc nên duy trì uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, kiểm soát đường huyết, huyết áp… mỗi ngày.
Thăm khám sức khỏe định kỳ: thăm khám sức khỏe 6 tháng mỗi lần để bác sĩ có thể đánh giá tình trạng sức khỏe, phát hiện những bất thường (nếu có) sớm và được điều trị kịp thời. Những người từng trải qua đột quỵ sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn cũng cần thăm khám thường xuyên.
Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ có thể xuất hiện trước đó như cơn thiếu máu não cục bộ thoáng quy (TIA). Nhận biết các dấu hiệu bằng quy tắc F.A.S.T và xử trí kịp thời giúp đưa người bệnh đến bệnh viện trong thời gian “vàng” từ 3-6 giờ đầu tiên sau dột quỵ.
Hiện nay, ngoài những biện pháp phòng ngừa trên, những đối tượng có nguy cơ đột quỵ còn thực hiện xét nghiệm gene bằng cách lấy mẫu nước bọt để tìm kiếm những đột biến. Bác sĩ Mỹ Hạnh chia sẻ thêm, các đơn vị về di truyền như Genetica sẽ phân tích 73 gene có liên quan đến đột quỵ. Báo cáo di truyền về đột quỵ giúp phát hiện đột biến có khả năng gây bệnh, đánh giá chỉ số nguy cơ mắc đột quỵ của một người.